Một doanh nghiệp không thể tồn tại mà không sở hữu nền văn hoá đặc trưng riêng. Song song với xây dựng cấu trúc nhân sự và quy trình sản xuất, một nhà quản trị hiện đại luôn cần ý thức được về xây dựng văn hoá cho doanh nghiệp. Đó là một quá trình lâu dài cần có thời gian và sự đồng thuận của tất cả thành viên trong doanh nghiệp, và trước tiên là một định hướng đúng đắn. Vậy doanh nghiệp của bạn đang áp dụng loại hình văn hoá nào? Đó có phải mục tiêu lâu dài mà bạn hướng tới?
Bài viết sau đây sẽ mô tả 8 loại hình văn hoá trên thế giới với các đặc trưng và ưu nhược điểm riêng. Chúng được Harvard Business Review phân biệt dựa theo 2 tiêu chí chính: sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi. Con số đi kèm ở mỗi đề mục là phần trăm các doanh nghiệp xếp loại hình văn hoá đó thuộc Top 2 trong khuynh hướng mà họ quan tâm tới.
8 loại hình đó bao gồm:
– Quan tâm (caring-culture): 63%
– Mục tiêu (purpose-culture): 9%
– Học tập (learning-culture): 7%
– Tận hưởng (enjoyment-culture): 2%
– Kết quả (results-culture): 89%
– Chuyên chế (authority-culture): 4%
– Trật tự (order-culture): 15%
Các nhà lãnh đạo và người sáng lập hàng đầu thường vô ý hoặc cố ý thể hiện quan điểm của họ về phong cách văn hoá doanh nghiệp trong các bài phát biểu hoặc tuyên bố. Đó chính là bằng chứng cho thấy họ đang dẫn dắt nền văn hoá của doanh nghiệp họ như thế nào. Tương ứng với 8 loại hình dưới đây là 8 lời phát biểu như vậy.
1. Quan tâm (caring-culture): 63%
Đặc trưng: Các mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau. Doanh nghiệp hướng tới môi trường làm việc “hạnh phúc” – đầm ấm, thân thuộc, nhân viên hết mực trung thành và lãnh đạo đề cao tinh thần đồng đội.
Ưu điểm: Sự quan tâm lẫn nhau giúp xoá bỏ rào cản giao tiếp và tăng sự tương tác giữa các thành viên trong doanh nghiệp, từ đó tạo ra cảm giác gắn bó và muốn giúp đỡ nhau hơn trong quá trình làm việc cùng nhau. Đây là nền tảng tinh thần vững chắc cho teamwork – mô hình làm việc của đại đa số doanh nghiệp.
Nhược điểm: Sự quá thân thiết thường đi liền với tư duy cả nể, làm giảm tính cạnh tranh và độ mở của các lựa chọn. Các quyết định không còn tuyệt đối sáng suốt khi phải tránh làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong doanh nghiệp.
“Việc cởi mở, thân mật và đối xử công bằng với nhiều người, dám nhìn vào mắt họ và nói những suy nghĩ của mình là rất quan trọng” – Bob Iger, CEO của Disney.
2. Mục tiêu (purpose-culture): 9%
Đặc trưng: Chủ nghĩa duy tâm và lòng vị tha. Doanh nghiệp là nơi mọi người thể hiện lòng bao dung, cố gắng làm việc thật tốt vì tương lai lâu dài của xã hội. Nhân viên hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng bền vững và phủ sóng rộng rãi, còn các nhà lãnh đạo luôn suy nghĩ về những lý tưởng vĩ đại.
Ưu điểm: Trên dưới nhân sự trong doanh nghiệp đều được cải thiện nhận thức về sự đa dạng, bền vững và trách nhiệm xã hội. Nhờ vậy, họ có khả năng trở thành người tử tế hơn ở sinh hoạt đời thường chứ không chỉ gói gọn trong môi trường doanh nghiệp.
Nhược điểm: Quá tập trung vào lý tưởng (đôi khi phi thực tế) và những mục đích dài hạn chính là rào cản của những vấn đề thực tế và cấp bách. Doanh nghiệp vì vậy mà thiếu quyết đoán khi đưa ra quyết định, có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội.
“Phần lớn các công ty lớn nhất thế giới cũng có những mục tiêu vĩ đại. Đặt ra một mục tiêu sâu xa, phi thường tiếp thêm rất nhiều năng lượng cho tất cả các bên liên quan phụ thuộc lẫn nhau.” – John Mackey, Founder & CEO của Whole Foods.
3. Học tập (learning-culture): 7%
Đặc trưng: Sự khám phá, sáng tạo và cầu tiến. Môi trường làm việc được xây dựng theo tiêu chí cởi mở để mọi người cùng châm ngòi cho những ý tưởng mới. Nhân viên được kích thích sự tò mò và các nhà lãnh đạo luôn nhấn mạnh về vai trò của kiến thức và sự đổi mới.
Ưu điểm: Tinh thần học tập, ham học hỏi là yếu tố giúp nhân viên đạt được sự nhạy bén và sức sáng tạo trong công việc. Doanh nghiệp cũng có nền tảng để xây dựng kho kiến thức chuyên môn và truyền thống đào tạo nội bộ.
Nhược điểm: Nếu chỉ dồn hết mọi nguồn lực cho việc nghiên cứu / khảo sát, doanh nghiệp có thể bị định hướng thiếu trọng tâm và không thể tận dụng được những lợi thế có sẵn.
“Tôi quan tâm tới những thứ thay đổi thế giới hay tác động tới tương lai và những công nghệ mới kỳ diệu khiến bạn phải thốt lên “Wow, làm sao nó có thể tồn tại được?” ngay khi nhìn thấy.” – Elon Musk, Co-founder & CEO của Tesla.
4. Tận hưởng (enjoyment-culture): 2%
Đặc trưng: Sự vui vẻ, phấn khích khi được làm việc theo ý thích. Ở doanh nghiệp, mọi người có xu hướng làm những gì giúp họ cảm thấy hạnh phúc. Nhân viên luôn tạo ra không khí sôi nổi, hào hứng; các nhà lãnh đạo cũng hài hước và có những hành động tự phát.
Ưu điểm: Sự tương tác và tính sáng tạo trong nội bộ nhân sự doanh nghiệp được gia tăng đáng kể. Nhân viên luôn tràn đầy nhuệ khí khi làm việc vì họ được chủ động lựa chọn làm theo cách mình muốn.
Nhược điểm: Sự tận hưởng thái quá dễ dẫn tới tình trạng thiếu kỷ luật trong doanh nghiệp và nảy sinh rắc rối cho người nắm quyền quản lý. Cần nhớ rằng doanh nghiệp dù có phong cách tự do đến mấy thì cũng là một tổ chức có cấp trên – cấp dưới và nội quy, quy định rõ ràng.
“Vui vẻ đi. Trò chơi sẽ thú vị hơn nhiều khi bạn muốn làm nhiều thứ hơn là chỉ kiếm tiền.” – Tony Hsieh, CEO của Zappos.
5. Kết quả (results-culture): 89%
Đặc trưng: Thành tích và chiến thắng. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều được lấy động lực từ kết quả và mục tiêu đặt ra ban đầu. Nhân viên được khuyến khích cống hiến hết mình cho thành công chung, theo đúng định hướng của nhà lãnh đạo.
Ưu điểm: Một khi nhà lãnh đạo và nhân viên có chung động lực và mục tiêu làm việc, họ đều tự tìm cách phát triển bản thân để cải thiện năng lực thực hiện công việc. Nói cách khác, doanh nghiệp có được một “động cơ công suất lớn” để tiến tới vạch đích nhanh hơn.
Nhược điểm: Việc quá tập trung vào kết quả có thể làm tăng mức độ áp lực và lo lắng cho nhân viên, thậm chí làm nảy sinh suy nghĩ tiêu cực muốn “dìm” đồng nghiệp xuống để vinh danh kết quả bản thân. Sự giao tiếp và hợp tác lẫn nhau cũng bị lu mờ đi phần nào.
“Tôi đã cố giữ chúng tôi tập trung vào một chiến lược rất rõ ràng, đó là hiện đại hoá chính mình.” – Sir Andrew Witty, Cựu CEO của GSK.
6. Chuyên chế (authority-culture): 4%
Đặc trưng: Sức mạnh, sự quyết đoán và quyền chi phối. Mọi thành viên trong doanh nghiệp đều cạnh tranh lẫn nhau và phấn đấu hết sức để đạt được lợi thế cá nhân. Nhân viên bị áp chế bởi sự kiểm soát mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo.
Ưu điểm: Nhà lãnh đạo chuyên chế cực kỳ nhạy cảm với các mối đe doạ hoặc khủng hoảng có thể xảy ra. Mọi vấn đề lớn nhỏ trong doanh nghiệp, dù thuộc phận sự của lãnh đạo hay nhân viên, đều rất nhanh chóng chốt được phương án giải quyết.
Nhược điểm: Sự chuyên quyền và quyết định quá táo bạo có thể dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, thậm chí các cuộc tranh giành quyền lực. Khi đó, môi trường làm việc bị thiếu đi tính an toàn về mặt tâm lý, nhân viên luôn trong trạng thái đề phòng và sẵn sàng phản kháng.
“Chúng tôi có một tinh thần “sói” trong công ty của mình. Trong cuộc chiến với sư tử, chó sói có những khả năng đáng sợ. Với một khát vọng chiến thắng mạnh mẽ và không sợ thua cuộc, bầy sói bám chặt mục tiêu, khiến những con sư tử kiệt sức theo mọi cách có thể.” – Ren Zhengfei, CEO của Huawei.
7. An toàn (safety-culture): 8%
Đặc trưng: Chuẩn bị chu đáo và tâm thế sẵn sàng. Mọi người đều có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy đến với doanh nghiệp, từ đó có ý thức về rủi ro và suy nghĩ cẩn thận hơn. Nhân viên luôn mong muốn cảm thấy được bảo vệ, và các nhà lãnh đạo nhấn mạnh luôn nhìn vào thực tế để lập kế hoạch từ trước.
Ưu điểm: Môi trường làm việc hướng tới sự an toàn giúp cải thiện kỹ năng quản trị rủi ro của cả nhà lãnh đạo và nhân viên. Doanh nghiệp sẽ đạt được những bước đi ổn định và bền vững trong kinh doanh, hạn chế tối đa phát sinh ngoài ý muốn.
Nhược điểm: Tình trạng quan liêu, cứng nhắc có thể là hệ quả của việc quá tập trung vào tiêu chuẩn hoá và quy tắc hoá. Hơn nữa, lo lắng cho sự an toàn đôi khi lại phản tác dụng, khiến chính bản thân cảm thấy bất an và ích kỷ hơn trong mối quan hệ với đồng nghiệp.
“Để bảo vệ chính mình, các doanh nghiệp nên dành thời gian tìm hiểu những mối đe doạ mình có thể gặp phải và nói chuyện với những chuyên gia có khả năng giúp đỡ.” – Inga Beale, CEO của Lloyd’s of London.
8. Trật tự (order-culture): 15%
Đặc trưng: Sự tôn trọng, cấu trúc và luật lệ. Mọi hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp đều được áp vào các quy tắc, quy trình cố định. Nhân viên gắng sức để làm tốt sự cộng tác với các đồng nghiệp có liên quan, trong khi các nhà lãnh đạo luôn đề cao thủ tục hành chính và tiêu chuẩn thời gian.
Ưu điểm: Việc đặt ra trật tự xác định trong doanh nghiệp giúp tạo thành một cộng đồng có quy củ, dễ giám sát và quản lý. Nó cũng làm giảm thiểu các mâu thuẫn, đồng thời tăng hiệu quả làm việc trong đội nhóm.
Nhược điểm: Đôi khi nhân viên không thích bị áp đặt vào quy tắc và luật lệ, bởi những công cụ này làm giảm tính cá nhân, sức sáng tạo và sự nhạy bén của họ. Doanh nghiệp cũng khó thích nghi với sự thay đổi tích cực.
“Lập quy định là một chức năng chính của ban điều hành. Và khi chúng tôi đặt ra những quy tắc cho thị trường chứng khoán, có nhiều quy tắc mà chính chúng tôi, SFC, cũng phải tuân theo.” – Jay Clayton, chủ tịch của SFC.
Sự tích hợp các loại hình văn hoá doanh nghiệp
Loại hình văn hoá thay đổi qua từng thời kỳ. Các doanh nghiệp hiện nay không còn chỉ áp dụng một và chỉ một phong cách duy nhất mà phối hợp nhuần nhuyễn đa loại hình với nhau. Ví dụ, các doanh nghiệp dịch vụ hiện không đơn thuần tập trung xây dựng hình ảnh thân thuộc, gần gũi với khách hàng nữa mà đã đề ra mục tiêu về doanh số và triển khai hàng loạt chiến dịch kinh doanh nhằm đạt được kết quả đó.
Sau khi xác định đặc trưng nổi bật của 8 loại hình văn hoá, bạn có thể một lần nữa phân biệt chúng dựa vào sơ đồ sau:
8 loại hình văn hoá được phân tách rõ ràng bởi sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi
Hãy nhìn vào vị trí của các loại hình văn hoá trong sơ đồ. Các phong cách ở gần nhau (như An toàn và Trật tự) sẽ dễ dàng cùng nhau tồn tại trong một doanh nghiệp hơn khi cách xa nhau (như An toàn và Tận hưởng). Đạt được ưu điểm của một phong cách văn hoá bất kỳ thường đồng nghĩa với việc mắc phải nhược điểm của phong cách ở vị trí đối ngược (như Chuyên chế và Mục tiêu) và ngược lại.
Tạm kết
Không có phong cách văn hoá nào hoàn hảo, chỉ có phù hợp hay không phù hợp với loại hình kinh doanh và định hướng trong tương lai của doanh nghiệp bạn mà thôi. Mong rằng bạn sẽ chọn lựa được một trong 8 loại hình trên, hoặc pha trộn chúng với nhau thành một nền văn hoá hiện đại và phát triển nhất.
Văn hóa doanh nghiệp cũng giống như một “bộ gen” chung mà để có thể đảm bảo được tính nhất quán của nó, doanh nghiệp cần có cách thức chuẩn hóa hoạt động tìm người và tuyển người như một bộ máy. Bằng cách đó, doanh nghiệp có thể vượt lên trên sự ngần ngại trong việc sa thải những người không phù hợp, và quyết liệt trong việc chọn lựa những người phù hợp với văn hóa công ty.
Nguồn: Resources.base.vn