5 bí quyết của một nhân viên được săn đón toàn cầu

Những nhân sự có tay nghề sẽ ngày càng có xu hướng trở thành “công dân toàn cầu” – làm việc tại nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa.

Tuy nhiên, việc thay đổi môi trường làm việc, thích nghi với văn hóa bản địa sẽ là những thách thức không nhỏ đối với hầu hết mọi người. Để tồn tại, thăng tiến trong sự nghiệp có định hướng đó, bạn không chỉ cần kỹ năng nghề nghiệp thật tốt mà còn phải áp ứng yêu cầu và xu hướng mới trong phân bổ nguồn nhân lực. Cách chúng ta nhìn nhận về công việc, đồng nghiệp và sự hợp tác cũng cần linh động hơn. Đây là kết quả thu được sau 5 năm nghiên cứu về nhân lực toàn cầu tại Rakuten, một gã khổng lồ về thương mại điện tử ở Nhật Bản.

Đến trước năm 2010, Rakuten là một công ty đa quốc gia, sử dụng đa ngôn ngữ. Những nhân viên tại trụ sở Tokyo giao tiếp bằng tiếng Nhật, trụ sở tại Mỹ thì nói tiếng Anh, ở các khu vực còn lại thì dùng nhiều thứ tiếng. Họ thuê phiên dịch để giải quyết các vấn đề về giao tiếp. Hơn thế, mỗi công ty con hoạt động tương đối độc lập, xây dựng nên những văn hóa và nguyên tắc tổ chức riêng biệt. Tuy nhiên đến năm 2010, Rakuten đã ban hành một quy định chỉ dùng tiếng Anh cho toàn bộ hơn 10.000 nhân viên của mình.

CEO Hiroshi Mikitani nhận ra rằng việc sử dụng nhiều ngôn ngữ gây hạn chế việc chia sẻ kiến thức, đồng thời khó thu hút nguồn nhân lực toàn cầu. Trên hết, công ty có tham vọng trở thành dịch vụ internet số một thế giới, vì thế họ phải giải quyết hạn chế về ngôn ngữ.

Việc sử dụng chung tiếng Anh, theo dự đoán của Mikitani, sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong Rakuten về cả cách làm việc và tương tác với thế giới xung quanh.

w620h405f1c1-files-articles-2016-1100937-quan-tri-doanhnhansaigon

Tuy nhiên, quy định về sử dụng tiếng Anh cũng là khởi nguồn cho nhiều thách thức về ngôn ngữ và văn hóa. Những nhân viên người Nhật, vốn đã quen với những khái niệm tiếng Nhật như “kaizen” (sự cải thiện) và “omotenashi” (sự hiếu khách) sẽ phải rất nỗ lực để học tiếng Anh cùng  những khái niệm mới, văn hóa ứng xử mới. Mặt khác, những nhân viên người Mỹ không cần phải học tiếng Anh, nhưng lại rất chật vật với những quy định và kỳ vọng từ văn hóa Nhật Bản.

Những nhân viên đã có sẵn khả năng thích ứng với cả ngôn ngữ và nền văn hóa mới sẽ có sự chuyển tiếp dễ dàng khi công ty ban hành quy định mới này. Họ cũng có thể chuyển sang các thị trường khác nhau từ Brazil, Pháp, Đức đến Indonesia, Đài Loan và Thái Lan. Họ được gọi là những người có định hướng công việc toàn cầu. Định hướng này rất quan trọng đối với những nhân sự làm việc trong những công ty đa quốc gia hoặc làm những nghề nghiệp mang tính toàn cầu.

Sau đây là 5 nguyên tắc chính để rèn luyện và xây dựng định hướng công việc toàn cầu do Tsedal Neeley – Phó giáo sư phụ trách bộ môn Hành vi tổ chức của Harvard Business School chỉ ra, giúp bạn có những chuẩn bị cần thiết để hòa nhập vào môi trường làm việc đa quốc gia, đa văn hóa, ngôn ngữ.

1. Hãy thờ ơ một cách… tích cực 

Khái niệm “thờ ơ tích cực” được giải thích như việc không quá chú trọng đến những khác biệt văn hoá. Ví dụ, bạn sẽ vui vẻ chấp nhận những quy định mới như đeo bảng tên khi đến văn phòng, viết báo cáo thường kỳ mà không cảm thấy đó là những yêu cầu ngớ ngẩn, dư thừa.

“Thờ ơ tích cực” giúp ích cho bạn vì hai lý do. Thứ nhất, công việc có tính toàn cầu đòi hỏi bạn phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa cũng như quy trình làm việc. Vì thế, việc thích nghi với môi trường và yêu cầu mới chính là yếu tố quyết định sự thành công và thất bại của bạn. Thứ hai, sự “thờ ơ tích cực” giúp cho đời sống công sở của bạn ở những doanh nghiệp toàn cầu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ sự chủ động học hỏi và sẵn sàng khám phá những phương diện mới.

w620h405f1c1-files-articles-2017-1102613-dua-ra-quyet-dinh-doanhnhansaigon

2. Tìm điểm tương đồng giữa các nền văn hóa

Việc này giúp bạn dễ dàng tiếp nhận nền văn hóa mới lẫn những sự khác biệt. Mỗi người sẽ cảm nhận nét tương đồng khác nhau.

Ví dụ như một nhân viên người Pháp ở Rakuten tìm thấy điểm tương đồng với những đồng nghiệp người Nhật khi nhận ra cả hai nền văn hoá đều chú trọng đến kết quả và luôn nghiên cứu cách để cải thiện chúng.

Một kỹ sư người Indonesia lại tìm thấy điểm tương đồng khi so sánh nội quy của Rakuten về việc nhân viên phải dành ra năm phút mỗi tuần để dọn dẹp bàn làm việc với thói quen rửa tay chân của anh ấy khi đến thăm một ngôi đền. Bởi cả hai nguyên tắc trên đều thể hiện sự tôn trọng và trách nhiệm của con người đối với một nơi có ý nghĩa đặc biệt.

Việc tìm kiếm sự tương đồng rất quan trọng trong định hướng công việc toàn cầu vì nó có thể rút ngắn khoảng cách giữa những đồng nghiệp không cùng nền văn hoá, nhờ đó nâng cao tinh thần đoàn kết và hiệu quả hợp tác giữa họ.

3. Nuôi dưỡng tinh thần toàn cầu hóa

Nếu bạn có cảm giác thuộc về một tổ chức rộng lớn hơn thay vì chỉ là một nhân viên tại văn phòng địa phương, bạn sẽ có xu hướng chia sẻ nhiều hơn những giá trị và mục tiêu của nơi đó. “Tính gắn bó tổ chức” là thuật ngữ diễn tả về việc một cá nhân cảm thấy mình hòa làm một với tổ chức. Yếu tố này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hài lòng trong công việc, sự tận tụy, và năng suất làm việc.

Một nhân viên người Indonesia tại Rakuten đã nói: “Với tôi, khi làm việc, tôi có cảm giác mình đang trở thành một phần của sự toàn cầu hoá”.

Thông điệp rõ ràng từ những lãnh đạo cấp cao về sự toàn cầu hoá của công ty sẽ giúp lan toả rộng rãi tinh thần này trong đội ngũ nhân viên cũng như thúc đẩy sự tương tác xuyên quốc gia giữa những văn phòng, trụ sở của công ty.

4. Chủ động tương tác với đồng nghiệp toàn cầu

Rakuten – một trong 4 đế chế thương mại điện tử lớn nhất thế giới bên cạnh Amazon, eBay và Alibaba – có trụ sở chính tại Nhật và Mỹ. Theo đó, những nhân viên không phải người Nhật và Mỹ có sự tìm kiếm và đón nhận sự tương tác với các nhân viên tại các chi nhánh khác trên thế giới hơn những người bản xứ. Tỷ lệ tự nguyện tương tác được ghi nhận cao nhất là ở Brazil với 52%, trong khi đó ở Mỹ chỉ đạt 2%.

Hành vi này rất quan trọng trong định hướng công việc toàn cầu, giúp những đồng nghiệp từ nhiều quốc gia dễ dàng chia sẻ niềm tin, tầm nhìn, kiến thức. Trong khi đó, tri thức ngầm gồm những kinh nghiệm, bí quyết, niềm tin, sự nhạy cảm trong công việc… vốn là những tri thức chỉ có được thông qua sự liên hệ giữa người và người – cũng nhờ có tương tác mà trở nên dễ hiểu hơn, tăng hiệu quả trong công việc.

Happy young businesswomen shaking hands while sitting with multi-ethnic colleagues in meeting. Horizontal shot.

5. Nuôi khát khao về một nghề nghiệp toàn cầu

Trong một số lĩnh vực, nhu cầu nguồn nhân lực biết tiếng Anh khiến cho thị trường việc làm toàn cầu trở nên hấp dẫn. Du lịch, sống ở một đất nước mới và cơ hội thăng tiến chính là những tham vọng nghề nghiệp của những nhân viên tại một công ty đa quốc gia.

Một số người có những định hướng dài hơi cho công việc mang tính toàn cầu, mà trước hết là cải thiện khả năng tiếng Anh. Một nhân viên Đài Loan bày tỏ: “Thật tuyệt khi tôi có cơ hội được đến và làm việc tại một đất nước khác. Tôi nhất định sẽ làm được điều đó sau khi đã cải thiện khả năng Anh ngữ của mình”.

Theo Doanhnhansaigon