Trí tuệ cảm xúc (EQ: Emotional Intelligence Quotient) là khả năng nhận ra và thấu hiểu cảm xúc (của mình và của người khác) và sử dụng thông tin đó để định hướng việc ra quyết định. Justin Bariso – nhà sáng lập Công ty tư vấn truyền thông Insight cho rằng: “Trí tuệ cảm xúc bao gồm sự thấu hiểu, cảm thông và lòng trắc ẩn. Người có EQ cao sẽ dễ dàng tìm ra cách tốt nhất để truyền đạt thông điệp đến với người khác”.
Việc nói quá nhanh đến mức không kịp suy nghĩ là một trong những thói quen xấu phổ biến trong giao tiếp. Theo Justin Bariso, “Phương pháp 3 câu hỏi” sẽ giúp hạn chế thói quen xấu đó, nhờ vậy mà bạn sẽ tránh được trường hợp phải hối tiếc sau khi phát ngôn.
Sau đây là 3 câu hỏi quan trọng nhất mỗi người cần tự vấn trước khi phát ngôn và cách mà nó sẽ giúp cho công việc và cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn, theo Justin Bariso.
3 điều bạn luôn phải tự hỏi mình trước khi nói bất cứ điều gì:
– Điều này có cần được nói ra?
– Tôi có cần phải là người nói ra điều này?
– Tôi có cần phải nói ra điều này ngay bây giờ?
Ví dụ, bạn là một nhà lãnh đạo và luôn muốn có sự gắn kết với nhân viên cấp dưới. Bạn phát hiện ra một nhân viên đã hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ và muốn tận dụng cơ hội để khen ngợi. Nhưng rồi đột nhiên bạn nhớ ra rằng cách đây vài tuần, cũng chính nhân viên này đã mắc một sai lầm khá trầm trọng, và bạn cũng muốn nhân cơ hội này để nhắc nhở họ.
Lúc này, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân: “Liệu điều này có cần được nói ra? Tôi có cần phải là người nói ra? Tôi có cần phải nói ra ngay lúc này?”.
Trên thực tế, việc góp ý mang tính xây dựng là cần thiết, nhất là khi sự cố vừa mới xảy ra. Tuy nhiên, bạn đã để lỡ mất thời điểm đó. Phản hồi tiêu cực được đưa ra tại thời điểm này sẽ phủ nhận hoàn toàn những lời khen ngợi của bạn dành cho nhân viên đó, bởi thông điệp sẽ có thể được hiểu chệch hướng rằng, những lời tuyên dương mà bạn nói ra chỉ nhằm làm dịu bớt những lời phê bình.
Trong trường hợp tự hỏi 3 câu hỏi cốt lõi trên trước khi quyết định, nhiều khả năng bạn sẽ đi đến một trong các kết luận là:
– “Suy cho cùng thì những lời phê bình tôi định nói ra không quá quan trọng, thậm chí quan điểm của tôi về vấn đề tiêu cực này cũng có thể sẽ thay đổi”.
– “Sẽ tốt hơn nếu tôi nói chuyện với người quản lý trực tiếp của nhân viên đó trước, vì rất có thể những điều tôi thấy chưa thật sự phản ánh hết toàn bộ sự việc”.
– “Tôi chắc chắn phải nói chuyện với nhân viên đó về sai lầm của họ, nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp. Tôi sẽ sắp xếp một cuộc nói chuyện với anh/cô ấy sau khi tôi đã chuẩn bị tốt hơn”.
Đây chính là một trong những trường hợp điển hình cho thấy “phương pháp 3 câu hỏi” đã phát huy tốt tác dụng. Nếu tất cả thành viên trong một công ty/tổ chức đều thực hiện phương pháp này, tần suất xuất hiện những email khiển trách, những cuộc họp ngắn, những lời phàn nàn về đồng nghiệp… sẽ ít hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, khi gặp phải trường hợp mà phần trả lời cho cả 3 câu hỏi trên đều là “Có”, bạn cần phải có đủ dũng cảm và sự quyết đoán để nói ra điều mà mình cho rằng quan trọng. Bởi vì chỉ khi ấy mọi việc mới có thể phát triển theo chiều hướng tốt hơn.
Nguồn sưu tâm