15 Ý TƯỞNG GẮN KẾT NHÂN VIÊN CHO DOANH NGHIỆP

Bạn có mệt mỏi khi thuê phải những nhân viên đi làm chỉ để chấm công và mong cho đến giờ về không? Bạn có muốn team của mình có thể làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và lấy khách hàng làm trung tâm không? Nếu có, có lẽ đã đến lúc doanh nghiệp của bạn tập trung vào sự gắn kết của nhân viên.

Việc nâng cao sự gắn kết của nhân viên là điều cần thiết để thúc đẩy động lực cho nhân viên cũng như sự thành công của doanh nghiệp. Theo thời gian, động lực và niềm đam mê mà nhân viên dành cho công việc của họ có thể giúp thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp và tạo ra một môi trường làm việc tích cực.

Dưới đây, chúng tôi sẽ thảo luận chính xác lý do tại sao sự gắn kết của nhân viên lại quan trọng và cung cấp cho bạn một số ý tưởng tốt nhất để gắn kết nhân viên và giữ được sự tập trung ở nơi làm việc. Đến cuối bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ về sự gắn kết của nhân viên là gì và làm thế nào để tổ chức của bạn sử dụng nó thật hiệu quả.

Sự gắn kết của nhân viên là gì và tại sao nó lại quan trọng?

Hãy nghĩ theo cách này: giống như một chiếc ô tô cần xăng để chạy, doanh nghiệp của bạn cần những nhân viên gắn bó để thành công. Không có nó, bạn sẽ chạy đến kiệt quệ nhưng chẳng đi được đến đâu. Nhưng với những nhân viên gắn kết, doanh nghiệp sẽ đi trên con đường thành công.

Và đây là lý do: Theo một nghiên cứu của Gallup, những nhân viên có sự gắn kết với nhau có năng suất làm việc cao hơn 17% so với những người không có. Và đó mới chỉ là khởi đầu. Các công ty có nhân viên gắn kết sẽ tăng 21% lợi nhuận, có xếp hạng mức độ hài lòng của khách hàng cao hơn 12% và có ít sự cố hơn 70%, đi cùng nhiều lợi ích khác.

Nhưng chính xác thì sự gắn kết của nhân viên là gì? Nó không chỉ là sự hài lòng trong công việc. Đó là về niềm đam mê, cam kết và ý thức về mục đích chung. Nhân viên gắn kết được đầu tư đầy đủ vào công việc của họ và cảm thấy được sếp của họ đánh giá cao. Họ được thúc đẩy để thực hiện tốt nhất và có quyền tự hào về những đóng góp của mình.

Sự gắn kết của nhân viên được đo lường bằng một số yếu tố khác nhau và có thể khá chủ quan tùy thuộc vào tổ chức và lượng nhân viên của bạn. Nói chung, sự gắn kết được đo lường bằng cách hỏi nhân viên một số câu hỏi về năng suất, cảm xúc của họ đối với mục tiêu của công ty cũng như năng lực và sự hài lòng của họ với công ty.

Ý tưởng gắn kết nhân viên

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp bạn đạt được điều đó? Hãy bắt đầu với việc tạo ra một nền văn hóa công ty thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên. Nghĩa là hãy sắp xếp công việc linh hoạt, cung cấp nhiều cơ hội cho nhân viên phát triển và trưởng thành, công nhận và khen thưởng nhân viên vì đã làm việc chăm chỉ, đồng thời thúc đẩy ý thức cộng đồng thông qua các hoạt động tập thể và tương tác tại nơi làm việc.

Vấn đề không chỉ là ở văn hóa công ty. Việc hội nhập hiệu quả, giao tiếp rõ ràng và đưa ra những phản hồi, nhận xét là những thành phần quan trọng cho sự gắn kết của nhân viên. Bằng cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những yếu tố này, bạn sẽ luôn thành công trong việc tạo ra một đội ngũ nhân viên năng động, tận tụy và sáng tạo.

Theo dõi tiếp để biết thêm chi tiết và ý tưởng mà bạn có thể sử dụng để tìm ra những gì phù hợp nhất cho bạn, nhân viên và doanh nghiệp của bạn.

Bắt đầu bằng quá trình hội nhập

Theo Jenn Prevoznik, Tổng giám đốc điều hành của Chương trình Khởi nghiệp và Hội nhập tại tổ chức SAP, “Hội nhập hiệu quả là một phần quan trọng trong việc gắn kết, giữ chân và tăng năng suất cho nhân viên. Tại SAP, chúng tôi tin rằng trải nghiệm hội nhập là nền tảng cho sự thành công của nhân viên và sự gắn bó lâu dài của họ với công ty.”

Có một ấn tượng đầu tích cực là điều cần thiết để tạo nên sự gắn bó giữa các nhân viên. Ngay từ những trải nghiệm hội nhập đầu tiên của công ty, các nhà quản lý và giám sát nên giúp nhân viên mới cảm thấy được chào đón, cung cấp cho họ quyền truy cập rộng rãi vào các tài nguyên của công ty, giới thiệu tổng quan về văn phòng và truyền tải tất cả các mục tiêu và kỳ vọng chung một cách rõ ràng nhất có thể.

Bạn cũng có thể phát triển các hoạt động để nhân viên mới tham gia, chẳng hạn như tổ chức Happy hour hay chương trình đố vui sau giờ làm việc, hoặc chỉ định cho mỗi nhân viên mới một người hướng dẫn để giúp họ hiểu rõ hơn và làm quen với văn hóa công ty.

Dưới đây là một số phương pháp hay nhất để tạo trải nghiệm hội nhập thành công cho nhân viên mới:

  • Phát triển một chương trình hội nhập để cho nhân viên sự hiểu biết rõ ràng về vai trò, trách nhiệm và kỳ vọng của họ. Để xây dựng chương trình, cần phác thảo rõ ràng việc đào tạo và hỗ trợ cho họ trong vài tuần đầu tiên cũng như thời gian sau đó.
  • Ghép cặp nhân viên mới với một người hướng dẫn hoặc đồng nghiệp. Từ đó, giúp họ có một người bạn đồng hành để liên hệ, đặt câu hỏi, hướng dẫn và lời khuyên trong suốt quá trình hội nhập của mình.
  • Lập kế hoạch những hoạt động có thể giúp nhân viên mới làm quen với đồng nghiệp của mình, chẳng hạn như các hoạt động tập thể và các sự kiện xã hội. Những sự kiện này sẽ giúp thiết lập lòng tin, mối quan hệ và thúc đẩy tinh thần đồng đội.
  • Cho nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển liên tục. Cung cấp cho nhân viên mới nhiều cơ hội để phát triển, chẳng hạn như các buổi đào tạo hoặc hội thảo, từ đó nhân viên sẽ cảm thấy được coi trọng và gắn bó hơn với sứ mệnh và mục tiêu của công ty.
  • Thu thập phản hồi từ những nhân viên mới để xác định các lĩnh vực cần cải thiện trong quy trình hội nhập. Việc này sẽ giúp bạn tối ưu hóa quy trình hội nhập cho những nhân viên mới trong tương lai và tăng mức độ tương tác.
  • Đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng cho nhân viên mới ngay từ đầu. Thiết lập mục tiêu sớm sẽ giúp nhân viên mới hiểu được mục tiêu của họ và tập trung để đạt được chúng.
  • Theo dõi những nhân viên mới thường xuyên để giải quyết bất kỳ câu hỏi hoặc mối quan tâm của họ. Điều này giúp nhân viên mới cảm nhận được giá trị của họ và sự hỗ trợ từ công ty trong suốt quá trình hội nhập.

    Chiến lược gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp
    Chiến lược gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp

Cải thiện môi trường làm việc

Nhân viên sẽ trở nên mệt mỏi với các công việc hành chính buồn tẻ, những công việc lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Vì vậy, bạn nên tận dụng cơ hội này để cải thiện sự gắn kết của nhân viên. Một vài cách tiêu biểu như là cho phép họ làm việc linh hoạt hơn, tổ chức các cuộc họp ngoài trời hoặc các cuộc trò chuyện vào giờ nghỉ trưa tại nhà hàng hoặc quán cà phê.

Bạn cũng có thể đẩy mạnh phúc lợi của nhân viên bằng cách hỗ trợ họ các chương trình chăm sóc sức khỏe và thể chất, một số thực phẩm lành mạnh và setup cho họ một góc làm việc thông minh, tiện lợi.

Hỗ trợ Tài chính

Theo Andrew Graft, Phó chủ tịch Marketing của công ty tại Access Perks cho rằng: “Khi bạn quá lo lắng về tài chính, sẽ rất khó để làm những việc khác, huống gì là làm công việc của chính mình.”

Có phúc lợi về tài chính là yếu tố thiết yếu cho sức khỏe của nhân viên và nó tác động đáng kể đến hiệu suất công việc cũng như sự hài lòng trong công việc của họ. Dưới đây là một số ý tưởng mà các chủ doanh nghiệp có thể sử dụng để giúp nhân viên đạt được phúc lợi tài chính:

  • Cung cấp phiếu giảm giá cho nhân viên: Hỗ trợ phiếu giảm giá cho các sản phẩm và dịch vụ, chẳng hạn như thẻ thành viên phòng tập gym, thuê xe hơi và các gói điện thoại di động, có thể giúp nhân viên tiết kiệm tiền và giảm nỗi lo về tài chính.
  • Cung cấp đào tạo tài chính: Đào tạo tài chính cho nhân viên có thể giúp họ đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt và có thể làm giảm nỗi lo về tài chính. Doanh nghiệp nên cân nhắc tổ chức các cuộc hội thảo hoặc lớp học về việc lập ngân sách, tiết kiệm và đầu tư.
  • Đưa ra kế hoạch nghỉ hưu: Cung cấp quỹ hưu trí 401(k) hoặc các kế hoạch nghỉ hưu khác có thể giúp nhân viên tiết kiệm cho tương lai và cảm thấy an toàn hơn về mặt tài chính. Đảm bảo nhân viên được đãi ngộ xứng đáng sau mỗi đóng góp của bản thân và nhận được những công việc phù hợp. 
  • Cung cấp tư vấn tài chính: Cung cấp cho nhân viên quyền tiếp cận các dịch vụ tư vấn tài chính, thông qua nhà cung cấp bên ngoài hoặc chương trình nội bộ, có thể giúp nhân viên nhận được lời khuyên và hướng dẫn cụ thể về các tình huống tài chính của họ.
  • Cung cấp các lựa chọn công việc linh hoạt: Cung cấp các lựa chọn làm việc linh hoạt, chẳng hạn như làm việc từ xa và lịch trình linh hoạt, có thể giúp nhân viên tiết kiệm tiền chi phí đi lại và chi phí chăm sóc con cái, từ đó cải thiện tình trạng tài chính của họ.
  • Xem lại tiền lương và lợi ích: Thường xuyên xem xét và cập nhật tiền lương cũng như phúc lợi có thể đảm bảo rằng đóng góp của nhân viên được đền đáp xứng đáng và giúp họ giảm căng thẳng tài chính.

Tại Acess Perks, một trong những cách yêu thích của chúng tôi để hỗ trợ tài chính và giảm bớt lo lắng về tài chính cho nhân viên là cung cấp chương trình giảm giá cho nhân viên trên toàn quốc. Bằng cách tiết kiệm tiền cho nhân viên trong các chi phí hàng ngày như thực phẩm, quần áo, đi lại và giải trí, chúng tôi đã tối ưu hóa các chi phí mà các nhân viên phải bỏ ra mua từ tiền lương của họ.

Khen thưởng nhân viên

Bạn nên tận dụng mọi cơ hội có thể để tôn vinh nhân viên của mình vì quyền lợi mà họ xứng đáng có được chứ đừng chỉ tôn vinh vì thành tích của họ. Ví dụ như tổ chức ngày sinh nhật cho họ, kỷ niệm các sự kiện trong đời và tổ chức các buổi họp mặt. Bạn cũng có thể tổ chức những bữa tiệc chia tay cho nhân viên sắp nghỉ hưu hoặc rời công ty, vì những hành động này sẽ khiến tất cả nhân viên của bạn gắn bó với nơi làm việc và nói chung là hài lòng hơn nhiều.

Theo Josh Bersin, một chuyên gia trong ngành và cũng là người ưu tiên những trải nghiệm của nhân viên: “Tôn vinh thành tích của nhân viên là một cách thuyết phục để thu hút, động viên và giữ chân họ. Mọi người phát triển nhờ cảm thấy được coi trọng và sự công nhận là yếu tố quan trọng của một văn hóa làm việc lành mạnh và tích cực.”

Khuyến khích đưa ra đánh giá

Để giúp nhân viên tìm hiểu về thế mạnh nghề nghiệp và thế mạnh của bản thân họ, bạn có thể đưa ra các nhận xét về những thế mạnh của họ. Từ đó, cho phép bạn tương tác với nhân viên của mình cũng như những kỹ năng độc đáo của họ, tiếp tục nâng cao tiềm năng và niềm đam mê của họ đối với công việc.

Kêu gọi nhân viên tham gia vào quá trình đưa ra quyết định

Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp của bạn đều có thế mạnh và quan điểm riêng. Nếu bạn để những nhân viên này tham gia vào quá trình ra quyết định nơi mà họ có thể thể hiện được năng lực bản thân, bạn sẽ có cơ hội nhìn nhận những điểm mạnh này. Điều này cũng cho phép bạn thể hiện sự quý trọng đối với nhân viên của mình và chứng tỏ rằng bạn tôn trọng ý kiến ​​của họ, từ đó giúp nhân viên gắn bó với nhau lâu dài hơn.

Khuyến khích mỗi cá nhân

Dành thời gian để tìm hiểu về nhân viên của bạn và đam mê cá nhân của họ bên ngoài công việc. Bạn có thể hỏi về sở thích của họ vào những ngày cuối tuần hoặc cuộc sống gia đình của họ để giữ họ gắn bó và khuyến khích họ thể hiện cá tính thực sự của mình tại nơi làm việc.

Duy trì tương tác bên ngoài công ty

Tạo cơ hội cho nhân viên của bạn giao lưu sau giờ làm việc là một cách tuyệt vời để tăng sự gắn kết của nhân viên. Các hoạt động tập thể bên ngoài có thể tăng cường các kỹ năng giao tiếp của nhân viên, cải thiện các mối quan hệ làm việc và tăng sự hài lòng trong công việc cho tất cả nhân viên. 

Ví dụ cho các hoạt động tương tác mà công ty có thể tổ chức là: các bữa tiệc vào các dịp lễ cho nhân viên, bữa trưa theo team và các hoạt động giải trí sau giờ làm việc.

Thời gian làm việc linh hoạt

Nền tảng cho sự gắn kết của nhân viên chính là thời gian làm việc linh hoạt. Một lịch trình làm việc cho phép nhân viên có đủ thời gian dành cho gia đình hoặc sở thích cá nhân chứng tỏ rằng bạn tôn trọng thời gian riêng tư của họ và đánh giá cao vị trí của họ trong công ty. Bạn cũng có thể cho phép họ được làm việc ở nhà vào nửa ngày thứ sáu trong một số tình huống nhất định hoặc áp dụng lịch làm việc theo mô hình tuần làm việc rút ngắn 9/80 để linh động trong việc lên lịch.

Ngoài ra, hãy cố gắng đảm bảo rằng nhân viên của bạn không làm việc quá sức hoặc lịch trình của họ được quản lý kĩ càng. Bạn phải tin rằng nhân viên của mình có thể hoàn thành công việc đúng hạn và họ luôn có được các nguồn tài nguyên cũng như sự hỗ trợ cần thiết để đạt được bất kỳ mục tiêu hoặc cột mốc nào đã đặt ra.

Hỗ trợ nhân viên tham gia tình nguyện

Hỗ trợ và khuyến khích nhân viên của bạn tham gia tình nguyện là một cách khác giúp nhân viên của bạn tương tác với nhau ngoài giờ làm việc. Bước này sẽ rất hữu ích nếu doanh nghiệp của bạn đang tập trung vào các hoạt động thiện nguyện. Khi nhân viên của bạn làm việc tình nguyện, họ sẽ cảm thấy như mình đang tạo ra một giá trị khác biệt, nâng cao tinh thần và niềm hạnh phúc của họ với công ty.

Ý tưởng gắn kết nhân viên cho doanh nghiệp
Ý tưởng gắn kết nhân viên cho doanh nghiệp

Tạo một không gian làm việc thoải mái  

Dù là cho hay nhận, thì những phản hồi tại nơi làm việc có thể là một chủ đề nhạy cảm. Điều quan trọng là nhân viên có thể thoải mái đưa ra phản hồi của họ mà không cảm thấy rằng họ sẽ phải nhận lấy hậu quả cho ý kiến ​​của mình. Họ cũng có thể nhận được phản hồi từ ban quản lý mà không cảm thấy khó chịu hoặc cảm thấy rằng những phản hồi đó như một cuộc tấn công vào cá nhân họ.

Xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy cho nhân viên của bạn và khuyến khích văn hóa cởi mở. Khi đưa hoặc nhận phản hồi, hãy đảm bảo bạn luôn cởi mở, tôn trọng và đo được mức độ thoải mái của nhân viên.

Công nhận nhân viên của bạn

Điều quan trọng là phải công nhận những nhân viên trong công ty của bạn, những người đã làm việc tốt hơn mong đợi hoặc đóng góp đáng kể cho công ty của bạn. Một phương pháp tốt là hỏi từng nhân viên xem họ muốn được công nhận như thế nào, vì một số người sẽ mong muốn được công nhận công khai, trong khi những người khác sẽ đánh giá cao một tin nhắn hoặc thiệp cảm ơn riêng tư hơn. Bạn có thể thêm chi tiết này vào quá trình hội nhập để hỏi xem các nhân viên thích sự công nhận như thế nào và thực hiện nó khi có  nhân viên đã tạo ra ảnh hưởng tại nơi làm việc.

Thiết kế không gian mở rộng giao lưu 

Trong văn phòng, nên có nhiều khu vực mà nhân viên có thể nghỉ giải lao và tương tác với nhau. Đây có thể là phòng ăn trưa với nhiều bàn, khu vực chơi trò chơi hoàn chỉnh với các bộ bài hoặc một bộ ghế dài và một ít đồ ăn nhẹ để nhân viên có thể nghỉ ngơi suốt cả ngày.

Những không gian này sẽ giúp nhân viên thư giãn và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn, dẫn đến tăng cường sự gắn kết và hài lòng của nhân viên.

Duy trì sự tương tác của nhân viên

Sự gắn kết của nhân viên là điều cần thiết để giữ cho nhân viên của bạn say mê với công việc, hài lòng với công ty và cảm thấy họ được coi trọng nhất. Khi triển khai các hoạt động và ý tưởng gắn kết nhân viên, hãy nhớ kiểm tra xem nhân viên cảm thấy thế nào về những thay đổi và tiếp thu được gì với phản hồi được đưa ra – điều này sẽ tạo ra một không gian an toàn và phát triển văn hóa giao tiếp, thứ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tương tác của nhân viên và giữ được sự thành công cho doanh nghiệp.

Sự gắn kết của nhân viên: Hoàn toàn đáng để thực hiện

Cải thiện sự gắn kết của nhân viên không chỉ là một việc nên làm – nó rất quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ tổ chức nào.

Chưa hết, sự gắn kết của nhân viên không chỉ là một chương trình hay một chính sách. Đó là một tư duy nên có mặt trong toàn bộ tổ chức. Bằng cách đầu tư vào nhân viên của mình và cung cấp cho họ sự hỗ trợ cũng như nguồn lực họ cần để phát triển, bạn sẽ thấy năng suất, lợi nhuận và sự hài lòng của khách hàng được cải thiện. Và công ty nào không muốn điều đó?

Bạn có ý tưởng nào giúp cải thiện sự gắn kết nhân viên tại nơi bạn làm việc hay không? Chúng tôi rất muốn nghe suy nghĩ của bạn đấy. Hãy chia sẻ nó trong phần bình luận ​​​​dưới đây!